Sau vài năm đầy biến động bởi đại dịch toàn cầu và bất ổn kinh tế, năm 2025 mở ra với nhiều kỳ vọng mới cho ngành sản xuất Việt Nam. Những tín hiệu tích cực bước đầu đã xuất hiện, nhưng đằng sau đó vẫn còn không ít thử thách đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong bài viết này, hãy cùng A1 Consulting nhìn lại tổng quan ngành sản xuất Việt Nam 2025 và cùng phân tích sâu những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải đối mặt.
Tổng quan ngành sản xuất Việt Nam
Vai trò của ngành sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam
Sản xuất luôn được coi là ngành công nghiệp trọng điểm của mọi quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi chiếm đến 25% GDP và đóng góp 2.7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2024. Trong đó các ngành trọng điểm chiếm:
- Ngành chế biến – chế tạo tăng 9,83%, đóng góp 2,49 điểm phần trăm.
- Sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
- Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 9,43%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.
- Ngành khai khoáng giảm 7,87%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm tăng trưởng.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 12 triệu lao động trên cả nước, chiếm 23.3% tổng số việc làm tại Việt Nam (Theo Tổng cục Thống kê).
Triển vọng của ngành sản xuất Việt Nam năm 2025
Theo báo cáo Quý I/2025 của S&P Global, chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index) ngành sản xuất Việt Nam đã lần đầu tiên sau bốn tháng vượt ngưỡng 50 điểm, đạt mức 50,5. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất bắt đầu phục hồi trở lại, đặc biệt sau năm 2024 đầy thách thức khi chỉ số PMI liên tục duy trì dưới ngưỡng 50 – mốc thể hiện sự suy giảm của ngành.
Tuy nhiên, kỳ vọng về một chu kỳ tăng trưởng bền vững đã sớm bị dội gáo nước lạnh. Đầu tháng 4/2025, quyết định áp thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam do chính phủ Mỹ ban hành đã ngay lập tức tạo ra tác động tiêu cực rõ rệt. Chỉ số PMI trong tháng 4 giảm mạnh xuống còn 45,6 điểm – phản ánh sự sụt giảm đồng loạt ở sản lượng, đơn hàng mới, việc làm cũng như hoạt động thu mua.
Quan sát diễn biến PMI trong quý I và tháng 4 cho thấy một bức tranh trái chiều: đà phục hồi tuy đã bắt đầu nhen nhóm nhưng vẫn còn mong manh, chưa đủ sức chống chọi trước các biến động từ bên ngoài. Điều này phần nào phản ánh sự phụ thuộc đáng kể của nền sản xuất trong nước vào các yếu tố ngoại lực, đặc biệt là thương mại quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng chiến lược ứng phó với rủi ro vĩ mô, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng và đầu vào là những yếu tố sống còn để duy trì ổn định sản xuất và hướng tới phục hồi bền vững hơn trong thời gian tới.
Những thách thức lớn nhất đối với ngành sản xuất Việt Nam trong 2025
Với những diễn biến trong 4 tháng đầu năm 2025 cho thấy thực tế là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, thậm chí mang tính "sống còn" nếu không thích ứng kịp thời.
Phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu
Một điểm yếu cố hữu của ngành sản xuất Việt Nam là sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu với hơn 70% sản lượng, nhất là vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2024, khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này suy giảm, lập tức kéo theo lượng đơn hàng tại Việt Nam giảm mạnh. Các ngành như dệt may, da giày, điện tử chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều nhà máy đã phải tạm thời đóng cửa hoặc cắt giảm lao động.
Dự báo cho 2025 cho thấy tình hình sẽ cải thiện nhẹ, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu các nền kinh tế lớn tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ hoặc chiến tranh thương mại leo thang.
Biến động chi phí sản xuất và nguyên liệu đầu vào
Giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển quốc tế vẫn đang ở mức cao so với trung bình giai đoạn trước đại dịch. Ngành sản xuất Việt Nam, vốn nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu từ nước ngoài (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), chịu áp lực chi phí rất lớn.
Ngoài ra, những biến động về tỷ giá, lãi suất trong nước cũng khiến chi phí tài chính đội lên, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vay nợ nhiều để mở rộng sản xuất.
Thiếu hụt lao động có kỹ năng
Một nghịch lý tồn tại trong ngành sản xuất Việt Nam là dù tỷ lệ lao động dồi dào, nhưng lại thiếu trầm trọng lao động kỹ năng cao, đặc biệt ở các mảng:
- Vận hành dây chuyền tự động hóa
- Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất (IoT, AI, MES systems…)
- Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi so với các nước đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cấp thiết
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sản xuất hiện đại (IoT, AI, hệ thống MES...), việc chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh.
Triển khai ERP cho ngành sản xuất là một trong những yếu tố uan trọng của chuyển đổi số của ngành này. ERP giúp các doanh nghiệp sản xuất đạt được các mục tiêu:
- Kết nối và quản lý toàn diện các bộ phận như sản xuất, kho vận, mua hàng, tài chính và nhân sự
- Tự động hóa các quy trình thủ công, giảm sai sót và rút ngắn thời gian xử lý
- Cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh và chính xác
- Đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc:
- Xác định lộ trình chuyển đổi số phù hợp
- Lựa chọn giải pháp ERP tương thích với ngành nghề và quy mô doanh nghiệp
- Đào tạo đội ngũ nhân sự có khả năng vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống
Nếu không bắt kịp làn sóng này, các doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang ưu tiên các nhà cung cấp có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực.
Áp lực từ sản xuất xanh và bền vững
Các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ đang yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn ESG, phát thải carbon, quản lý nước thải, năng lượng tái tạo, nguyên liệu bền vững...
Bên cạnh đó, Đạo luật Cấm sản phẩm liên quan đến lao động cưỡng bức (Uyghur Forced Labor Prevention Act) của Mỹ và Quy định chống phá rừng của EU sẽ tác động mạnh đến ngành dệt may, da giày, gỗ, nông sản Việt Nam.
>>> Đọc thêm: Áp dụng ESG tại Việt Nam: Thực trạng và thách thức
Cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan... trong lĩnh vực sản xuất.
Các quốc gia này đang thu hút đầu tư nước ngoài bằng các gói ưu đãi hấp dẫn, cơ sở hạ tầng cải thiện nhanh và lực lượng lao động trẻ, giá rẻ.
Nếu không đổi mới mô hình sản xuất, tăng cường tự động hóa, đổi mới sáng tạo, Việt Nam có nguy cơ mất dần lợi thế cạnh tranh truyền thống trong 5-10 năm tới.
Thách thức từ việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam
Như đã nhắc ở trên, môt "cú sốc" lớn đối với ngành sản xuất Việt Nam trong năm 2025 là việc Hoa Kỳ áp mức thuế chống bán phá giá lên tới 46% đối với một số nhóm hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như thế mạnh như: Sản phẩm gỗ, sắt thép và một số sản phẩm công nghiệp chế biến
Động thái này khiến chi phí xuất khẩu vào thị trường Mỹ đội lên rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các đối thủ từ Mexico, Indonesia, Malaysia...
Không chỉ gây khó khăn cho những ngành xuất khẩu chủ lực, việc áp thuế còn tạo hiệu ứng dây chuyền:
- Các đơn hàng mới từ Mỹ giảm sút mạnh.
- Doanh nghiệp buộc phải tìm thị trường thay thế trong thời gian rất ngắn.
- Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ phá sản do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ.
>>> Xem thêm: Thuế đối ứng 46% của Mỹ - Đánh giá tác động và giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp Việt Nam
Chiến lược hành động cho ngành sản xuất Việt Nam trong năm 2025
Để vượt qua những thách thức hiện tại và nắm bắt cơ hội tăng trưởng bền vững, ngành sản xuất Việt Nam cần có những chiến lược hành động cụ thể, quyết liệt hơn.
Chuyển đổi mô hình
Trước tiên, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng là yêu cầu bắt buộc. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn dịch chuyển từ vai trò gia công truyền thống sang mô hình ODM/OEM, tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Bên cạnh đó, thay vì chạy theo số lượng đơn hàng giá rẻ, các doanh nghiệp nên tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thiết bị y tế, linh kiện điện tử chính xác, sản phẩm tiêu dùng cao cấp – những phân khúc đang có nhu cầu bền vững trên thị trường quốc tế.
Ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh
Song song với thay đổi mô hình, ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh cần được đẩy mạnh. Doanh nghiệp phải đầu tư bài bản vào các hệ thống quản trị như ERP cho ngành sản xuất, MES, IoT nhằm tự động hóa vận hành sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.
Việc áp dụng Big Data và AI trong dự báo nhu cầu, tối ưu hóa kế hoạch sản xuất, kiểm soát chất lượng và bảo trì thiết bị chủ động sẽ không chỉ giảm chi phí mà còn nâng cao tính linh hoạt và khả năng ứng phó với biến động thị trường.
Nội địa hóa chuỗi cung ứng
Một hướng đi quan trọng khác là đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam cần ưu tiên phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước cho những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử. Đồng thời, khuyến khích thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiến lược như sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu mới, cơ khí chính xác, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng tính chủ động cho sản xuất nội địa. Việc liên kết các trung tâm công nghiệp theo vùng – Bắc bộ, Nam bộ và miền Trung – sẽ tạo thành các hệ sinh thái sản xuất chuyên sâu, nâng cao sức cạnh tranh khu vực.
Xanh hóa sản xuất và phát triển bền vững
Không thể bỏ qua xu thế toàn cầu về xanh hóa sản xuất và phát triển bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuyển đổi mô hình vận hành bằng cách ứng dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), đạt các chứng nhận xanh quốc tế như ISO 14001, LEED, FSC, và hướng tới mô hình sản xuất tuần hoàn: tái sử dụng nước, tái chế chất thải rắn, giảm tối đa tiêu hao nguyên liệu. Đây không chỉ là yêu cầu tuân thủ của các thị trường lớn mà còn là yếu tố then chốt nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế.
Nâng cao chất lượng nhân lực
Một yếu tố nền tảng cho sự phát triển dài hạn chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần tập trung đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên có khả năng vận hành máy móc tự động, quản lý dữ liệu sản xuất, và xây dựng lớp quản lý cấp trung, cấp cao có tư duy toàn cầu, am hiểu về ESG và chuyển đổi số. Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đào tạo quốc tế như JICA (Nhật Bản), GIZ (Đức) sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật kỹ năng và tiêu chuẩn lao động hiện đại.
Chủ động phòng vệ thương mại
Cuối cùng, trong bối cảnh rủi ro phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, việc chủ động phòng vệ thương mại trở thành yêu cầu sống còn. Các doanh nghiệp cần thiết lập bộ phận pháp lý quốc tế chuyên theo dõi các vụ kiện, chuẩn bị hồ sơ chứng minh năng lực sản xuất và nguồn gốc sản phẩm minh bạch, cũng như duy trì liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, VCCI để được hỗ trợ nhanh chóng khi xảy ra sự cố.
Kết luận
Tóm lại, chỉ những doanh nghiệp nào chuyển mình đủ nhanh, đầu tư đúng trọng tâm vào công nghệ, con người, chuỗi cung ứng và phát triển bền vững mới có thể đứng vững và bứt phá trong giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng rất nhiều cơ hội này.